B2C là gì? Phân biệt mô hình B2C với B2B

B2C là gì

Bài viết sau đây Cafe Kinh Doanh sẽ cùng bạn tìm hiểu xem mô hình B2C là gì, các loại hình B2C và phân biệt sự khác nhau giữa 2 mô hình B2C và B2B qua đó thấy được tầm quan trọng của B2C trong việc kinh doanh và phát triển thương hiệu.

Mô hình B2C là gì?

B2C là viết tắt của từ Business-to-Consumer là một mô hình thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng. Mô hình B2C đề cập đến quá trình bán sản phẩm và dịch vụ trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đó là những người sử dụng cuối cùng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Hầu hết các công ty bán trực tiếp cho người tiêu dùng có thể được gọi là các công ty B2C.

B2C là gì
Mô hình thương mại điện tử B2C

Các loại hình kinh doanh và ví dụ về mô hình B2C

Có 5 loại hình kinh doanh thương mại điện tử B2C phổ biến hiện nay là:

Người bán hàng trực tiếp

Người bán hàng trực tiếp là thứ mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi họ nghe đến thương mại điện tử B2C. Đây là những cửa hàng bán lẻ trực tuyến bán các sản phẩm từ thương hiệu của chính họ hoặc bán nhiều các thương hiệu khác nhau.

Ví dụ: Cửa hàng trực tuyến của Biti’s chỉ bán các sản phẩm thuộc thương hiệu của chính Biti’s. Các cửa hàng khác như Thế Giới Di Động và Kidsplaza bán các sản phẩm từ đủ loại thương hiệu, nhưng họ vẫn là người bán hàng trực tiếp.

Trung gian trực tuyến

Trung gian trực tuyến là những người trung gian sử dụng trang web của họ để kết nối các doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng lại với nhau. Các trung gian trực tuyến không sở hữu bất kỳ sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu nào và công việc duy nhất của họ là tạo ra một sợi dây liên kết giữa những người bán tới những người mua hàng.

Ví dụ: Etsy hay Ebay cho phép các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bán các sản phẩm và dịch vụ nghệ thuật của họ trên trang web của họ dưới các thương hiệu riêng của họ. Sau đó, khách hàng có thể truy cập trang web và mua hàng trực tiếp với người bán.

B2C dựa trên quảng cáo

Các website thương mại điện tử dựa trên quảng cáo không sở hữu bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào. Thay vào đó, họ bán quảng cáo cho các sản phẩm và dịch vụ mà các doanh nghiệp khác sở hữu. Theo thời gian, khi các trang web này trở nên phổ biến hơn, chúng bắt đầu được coi là các trang web có ảnh hưởng thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, marketing khác.

Guardian và Huffington Post là những ví dụ điển hình về loại mô hình thương mại điện tử B2C dựa trên quảng cáo, nơi cả hai trang web đều đăng quảng cáo cho các sản phẩm và dịch vụ được bán bởi những doanh nghiệp khác.

B2C dựa vào cộng đồng

Với mô hình thương mại điện tử B2C dựa vào cộng đồng, các doanh nghiệp nhắm mục tiêu tới các diễn đàn trực tuyến có liên quan đến sản phẩm và dịch vụ mà họ bán và tiếp thị sản phẩm của họ tại đó.

Ví dụ: Các mạng xã hội như Facebook, Reddit có các nhóm hay cộng đồng liên quan đến các mối quan tâm cụ thể, vì vậy các doanh nghiệp có thể tìm các nhóm và cộng đồng thích hợp để quảng bá những sản phẩm, dịch vụ của họ.

B2C dựa trên tính phí

Những trang web thương mại điện tử tính phí sẽ tính phí khách hàng khi sử dụng trang web của họ, vì các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ có thể được truy cập trực tiếp tại đó.

Ví dụ như các trang web dịch vụ giải trí dựa vào đăng ký như Amazon Prime, Netflix, The New Yorker, Hulu… hoặc các website chia sẻ các bài báo và bài viết như Medium.

Phân biệt mô hình B2C với B2B

Sự khác nhau cơ bản giữa mô hình thương mại điện tử B2C với B2B (Business-to-Business) là đối tượng mà công ty nhắm đến là bán cho ai. Các công ty B2C bán trực tiếp sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng. Trong khi đó các doanh nghiệp B2B lại bán cho các doanh nghiệp khác. Những doanh nghiệp khác này sau đó có thể tiếp tục bán cho các doanh nghiệp khác hoặc tới người tiêu dùng.

Ngoài ra còn có các khác biệt giữa B2C và B2B:

Mô hình B2C:

  • Quy mô mua hàng nhỏ và số tiền thấp hơn.
  • Mua hàng được thực hiện cho cá nhân hoặc hộ gia đình. Quyết định mua có thể bao gồm những người có ảnh hưởng hoặc những người dùng khác.
  • Có thể đưa ra các quyết định mua hàng theo cảm tính và mua theo xu hướng.
  • Quá trình bán hàng có xu hướng hướng vào sản phẩm hay dịch vụ nhiều hơn và ít dựa vào các mối quan hệ hơn – trừ những nhà cung cấp dịch vụ.
  • Mua hàng dựa trên kết quả tức thì và sự hài lòng.
  • Chu kỳ bán hàng ngắn, quá trình mua hàng thường là một bước duy nhất.
  • Bản sắc thương hiệu được nhấn mạnh.
  • Các bộ phận tiếp thị thường chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong tổng chi phí.

Mô hình B2B:

  • Kích thước mua lớn hơn và số tiền cao hơn.
  • Nhiều người tham gia vào các quyết định mua hàng và họ có thể đến từ nhiều bộ phận trong một tổ chức.
  • Tính toán kỹ lưỡng, quyết định mua hàng hợp lý, chắc chắn.
  • Quy trình bán hàng dựa trên mối quan hệ.
  • Mua hàng dựa trên mục tiêu dài hạn.
  • Chu kỳ bán hàng dài và phức tạp hơn.
  • Bản sắc thương hiệu thường không được nhấn mạnh.
  • Các bộ phận tiếp thị chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí.

Những lợi ích mà mô hình thương mại điện tử B2C mang lại cho doanh nghiệp so với bán hàng truyền thống

Giảm chi phí cho doanh nghiệp

Mọi doanh nghiệp đều phải chịu một số loại chi phí chung. Với kinh doanh truyền thống, việc vận hành cửa hàng thực một mình có thể dẫn đến các chi phí chung khá cao như tiền thuê mặt bằng, tiền lương cho nhân viên, thuế tài sản, bảo trì, hóa đơn tiện ích như điện nước, điện thoại hay bảo hiểm… Do đó, cửa hàng thực thậm chí làm tăng thêm chi phí trong quá trình vận hành doanh nghiệp vốn đã tốn kém.

Nếu chuyển sang mô hình thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể giảm đáng kể tổng chi phí chung của mình, vì doanh nghiệp có thể điều hành cửa hàng của mình hoàn toàn trực tuyến mà không cần phải có cửa hàng thực.

Tiếp cận được nhiều khách hàng hơn

Với một cửa hàng truyền thống, doanh nghiệp của bạn mong rằng hầu hết khách hàng sống trong khu vực đó ghé thăm cửa hàng. Mặc dù bạn có thể có thêm những khách hàng từ nơi khác đến thăm nhưng họ có thể không chiếm phần lớn vào hoạt động kinh doanh của bạn. Vì vậy, đối tượng khách hàng chính của bạn bị giới hạn bởi khu vực đặt cửa hàng của bạn.

Phần “thương mại điện tử” của thương mại điện tử B2C sẽ có thể khắc phục vấn đề này. Bằng cách đưa doanh nghiệp của bạn lên Internet, bạn đang quảng bá cửa hàng của mình cho tất cả những khách hàng trực tuyến, bất kể họ sinh sống ở đâu. Nó không chỉ bao gồm những khách hàng tiềm năng sống trong khu vực của bạn, mà còn cả những khách hàng trên toàn quốc và thậm chí cả những khách hàng trên toàn thế giới nếu bạn muốn mở rộng doanh nghiệp ra quốc tế. Với thương mại điện tử, đối tượng chính của doanh nghiệp trở thành tất cả những người có thể truy cập vào cửa hàng trực tuyến của doanh nghiệp và đang tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp bán.

Tạo dữ liệu khách hàng chi tiết

Dữ liệu khách hàng vô cùng có giá trị. Ví dụ như số liệu thông tin khách hàng, email để tự động hóa tiếp thị, phân tích, hành vi sở thích của khách hàng, vùng địa lý. Từ đó, doanh nghiệp có thể củng cố chiến lược tiếp thị và chăm sóc khách hàng của mình tốt nhất.  

Kết luận: Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn nắm rõ các thông tin về mô hình B2C bao gồm: B2C là gì, các loại hình và lợi ích của B2C đối với doanh nghiệp. Nếu bạn thấy bài viết có sai xót hay thắc mắc nào đó cần giải đáp, vui lòng để lại bình luận bên dưới nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *